Biểu tượng của nước Pháp đang “bị” bọc kín trong tác phẩm nghệ thuật sắp đặt của Christo và Jeanne-Claude. Mọi điều mới mẻ sẽ luôn có các quan điểm trái chiều, cũng dễ hiểu vì sao ‘Áo choàng mới’ của Khải Hoàn Môn đang gây tranh cãi và là tiêu điểm trên toàn thế giới! “Bị” là một góc nhìn, nhưng với cá nhân tôi điều đó có thể thay bằng “được”. Vì sao tôi xin chi tiết ở phần dưới đây…
L’Arc de Triomphe de l’Étoile – Khải Hoàn Môn, bề thế ngay chính giữa quảng trường Étoile và cũng là điểm cuối của đại lộ Champs-Elysées luôn là một trong những địa điểm cực kỳ yêu thích của tôi. Dù chúng ta có yêu hay không thì thực tế đây luôn là một trong những điểm ghé thăm hàng đầu của nước Pháp, quốc gia có vị trí số 1 thế giới về đón khách du lịch hàng năm lên tới con số 90 triệu người năm 2019 (hơn 2.3 lần khách thăm Anh Quốc hay Đức).
Trong quãng thời sinh viên tại Pháp, tôi có 3 năm làm hướng dẫn viên du lịch, do vậy có nhiều dịp vô tình hay cố ý ghé qua nơi đây. Pháp nổi tiếng có “bà đầm” thép tháp Eiffel, thì tôi hay nói vui với mọi người cách tôi gọi Khải hoàn môn là “anh chàng mạnh mẽ”. Lần nào cũng vậy khi ngắm nhìn “anh chàng mạnh mẽ” này, cảm xúc luôn dâng trào rất mạnh trong tôi. Bất kể đó là khi tôi đứng giữa đại lộ Champs-Élysées tranh thủ lưu luyến ngắm nhìn từ khoảng cách xa, là khi đắm đuối ngẩng cao đầu thưởng thức chi tiết của những bức phù điêu trên thành tường, trần vòm hay là khi đứng trên đỉnh nóc của Khải Hoàn Môn, quét tầm mắt và di chuyển ngắm 360 độ xung quanh.
Nằm ở vị trí quá đắc địa, là giao điểm của ba quận và 12 đại lộ. Trong đó có đại lộ Champs Elysees vốn được thế giới vinh danh là đại lộ đẹp nhất thế giới. Chính ở chỗ này, vào giữa tháng 5 và đầu tháng 1, bạn sẽ được chứng kiến cảnh mặt trời lặn ngang qua Khải Hoàn Môn. Tại nơi đây, có lẽ người khó tính nhất cũng bí từ để chê.
Kể chi tiết thì cả vài quyển sách, nhưng thôi, chúng ta chuyển tiếp sang chủ đề chính hôm nay là L’Arc de triomphe d’Étoile dưới dáng vẻ mới với tấm áo choàng lạ lẫm – bằng vải từ nhựa tái chế. Diện mạo này đã khiến bao người xem từ khắp nơi trên thế giới và cả những người dân Pháp vô cùng bất ngờ. Với nhiều người nghệ sĩ và chuyên gia đánh giá cho rằng chắc chắn đây ít nhất là tác phẩm sắp đặt nghệ thuật tiêu biểu nhất trong một thập kỷ qua!
Mấy ngày qua, những bức ảnh ấn tượng cùng loạt phóng sự về tác phẩm sắp đặt L’Arc de Triomphe, empâqueté (wrapped) của Jeanne-Claude và cố nghệ sĩ Christo đã làm nức lòng khắp thế giới những người ái mộ vẻ đẹp của nghệ thuật, giá trị lịch sử và tinh hoa của nhân loại. Khải Hoàn Môn cao 49,5 mét, rộng 45 mét và sâu 22m, là biểu tượng văn hoá của nước Pháp, được bao phủ bởi 25.000 mét vuông vải màu trắng bạc trên nền xanh tươi mới, buộc bằng 3.000 mét dây thừng màu đỏ tương phản. Có nhiều ý kiến cho rằng các màu sắc này thể hiện tinh thần tươi mới cùng màu cờ của nước Pháp.
Dự án này hoàn thành “giấc mơ cả đời” của Christo và Jeanne-Claude, những nghệ sỹ được biết đến bằng việc bọc các tòa nhà nổi tiếng trên khắp thế giới, sau khi Christo qua đời vào năm 2020. L’Arc de Triomphe, empâqueté vừa mở cửa chính thức vào 18/09/2021 và sẽ được giữ nguyên trong 16 ngày đến 03/10/2021.
L’Arc de Triomphe, empâqueté được cặp đôi nghệ sỹ tưởng tượng lần đầu tiên vào năm 1961, nhưng Christo chỉ bắt đầu tích cực phát triển dự án này vào năm 2017. Ông đã mô tả dự án là “một vật thể sống sẽ chuyển động trong gió và phản chiếu ánh sáng” mà “mọi người sẽ muốn chạm vào”. Cả vải và dây thừng đều được làm từ polypropylene, một loại nhựa nhiệt dẻo và có thể tái chế. Sau khi hoàn tất việc lắp đặt, giao lộ Place Charles de Gaulle bao quanh tượng đài sẽ tạm thời chỉ dành cho người đi bộ.
Hơn 1.000 người đã làm việc trong dự án, được hướng dẫn bởi nhóm của Christo cùng với Centre des Monument Nationaux, Trung tâm Pompidou và Thành phố Paris. Nhóm cho biết dự án được tài trợ hoàn toàn thông qua việc bán các tác phẩm nghệ thuật gốc của Christo và Jeanne-Claude. Dự án sử dụng 25.000 m2 vải nhựa bao phủ và tổng chi phí là khoảng 16 triệu $. Công trình này được thực hiện để tưởng nhớ nghệ sĩ quá cố Christo Vladimirov Javacheff, gốc Bulgaria. (Ảnh: AFP, REUTERS).
Ngọn lửa vĩnh cửu của Khải Hoàn Môn tại Lăng mộ “Chiến sĩ Vô danh” vẫn sẽ tiếp tục cháy trong suốt quá trình sắp đặt. Biểu tượng không bao giờ tắt, bất kể người chiến sĩ Vô danh thuộc về phe “ta” hay phe “địch”, xoá tan thù hận, học từ quá khứ – nhân từ trước khác biệt, hướng về tương lai. Nội thất và sân hiên của tượng đài cũng sẽ vẫn mở để đón các chuyến tham quan được giới thiệu chi tiết về công trình này của bộ đôi nghệ sỹ.





Một trong những thách thức lớn nhất của các dự án nghệ thuật bọc vải các công trình nổi tiếng là tìm kiếm sự chấp thuận của nhà chức trách địa phương. Họ còn phải thuyết trình về giải pháp kỹ thuật, những tác động nếu có với môi trường và tìm kiếm tài trợ. Tổng thống Pháp khi đến khánh thành dự án đã thốt lên: “Crazy dream comes true” – Giấc mơ điên rồ (có thể) trở thành sự thật!
Dự án cuối cùng được thực hiện trước khi qua đời của Christo là The London Mastaba – một chồng thùng khổng lồ có màu sắc rực rỡ được đặt trên Hồ Serpentine ở London. “Nhiều người cảm thấy các tác phẩm của chúng tôi khó hiểu,” Christo từng chia sẻ. “Cũng dễ hiểu thôi vì chúng không phải là những tác phẩm điêu khắc hay bức tranh bình thường. Chúng là rất nhiều thứ.”
Christo and Jeanne-Claude 2 nghệ nhân “gói hàng” của chúng ta, đã hoàn thành tác phẩm “đóng gói Reichstag” vào 24 tháng 6 năm 1995. Trong 2 tuần sau đó, 5 triệu khách thăm đã đổ đến Berlin và xác lập kỷ lục thế giới về số khách thăm một sự kiện văn hóa. The wrapped Reichstag khi đó đã trở thành một địa điểm lễ hội thực thụ vì luôn náo nhiệt đông người đến nhảy múa và ca hát ăn mừng công trình nghệ thuật này. Những ngày cuối khi tháo bỏ, vải bọc đã được chia tặng cho mọi người đến thăm từ khắp nơi trên thế giới như một món đồ souvenirs.

Trở lại “Anh chàng mạnh mẽ”, có người dân khi được phỏng vấn nói “Hàng ngày tôi đi qua đi lại đây suốt, nhưng chưa bao giờ nhìn ngó L’Arc de Triomphe. Hôm nay, nhờ diện mạo mới này thì tôi đã nhìn ngắm kỹ”. Thực vậy, cũng không quá ngạc nhiên khi chúng ta hàng ngày hay xem nhẹ và thường nghiễm nhiên hạ thấp giá trị những thứ hiện hữu quanh ta. Như thực tế tại nhiều nơi khác trên thế giới, Pháp luôn có nhiều người dân chưa để ý đến tháp Eiffel, chưa vào bảo tàng Louvre bao giờ. Cũng như Hà Nội không hiếm người chưa từng ngước mắt nhìn vòng quanh Nhà thờ lớn, Nhà hát lớn, Bưu điện Hà Nội lấy 1 lần, dù sống ngay gần, thường xuyên đi lướt qua.
L’Arc de Triomphe xưa nay vẫn thế, từ thời Hoàng đế Napoléon I tới triều đại của Vua Louis Philippe hoàn thành xây dựng, cho đến ca khúc khải hoàn sau thế chiến thứ nhất và thứ hai, vẫn sừng sững với vẻ đẹp trường tồn cùng năm tháng. Và trớ trêu là sự trường tồn đó đôi khi khiến người ta phần nào quên mất vẻ đẹp quyến rũ của nó. Chính vì vậy mà đây là dịp nó được “đóng gói” lại, tạm mang lên mình một diện mạo mới?! Chúng ta hãy cứ tận hưởng hết nhẽ làn gió mới này, để sau 16 ngày gói quà lại được mở ra, và đó là khi vẻ đẹp không tuổi được thêm trân trọng bởi muôn người.
Ý nghĩa của của 16 ngày ngắn ngủi Khải hoàn môn được bao bọc so với sự tồn tại gần 200 năm cũng nhắc cho chúng ta nhớ về sự gián đoạn do đại dịch Covid-19 của những những điều bình thường, thường nhật nhưng cực kỳ ý nghĩa như gặp gỡ người thân, bạn bè, hay đơn giản là tự do bách bộ ngoài phố hít thở khí trời và gửi một câu chào nhẹ đầy trìu mến tới ông, bà cao tuổi, giúp đỡ khi có bạn trẻ hỏi nhờ đường.
Học viên vừa giỏi ngoại ngữ, vừa có thể sử dụng tiếng Anh/tiếng Pháp để tư duy các lĩnh vực khác như Nghệ thuật, Khoa học, Lịch sử, Âm nhạc, Hội họa một cách vô cùng lý thú. Đó là cách một trong các cách tiếp cận độc đáo mang lại lợi ích kép của Trung tâm đào tạo Ngoại ngữ, Kỹ năng và Tư Duy toàn cầu GGV. Ích chi khi ta biết ngôn ngữ nhưng lại không có ý tưởng và kiến thức để thổi hồn sâu sắc cho ý đẹp, lời hay!
Các tác phẩm sắp đặt nổi tiếng khác của bộ đôi này bao gồm Valley Curtain, một vách ngăn bằng vải màu cam được treo giữa hai ngọn núi ở Colorado; tác phẩm Surrounded Islands ở Florida, nơi họ sử dụng những miếng vải màu hồng phát sáng khổng lồ để bao quanh một loạt hòn đảo ở Vịnh Biscayne; “Khoác áo cho cầu Pont-Neuf” cũng ở Paris năm 1985; The Floating Pier (Ý). Nhưng có lẽ với tất cả giá trị đỉnh cao về nghệ thuật kiến trúc và lịch sử của “Anh chàng mạnh mẽ”, đây là tác phẩm nghệ thuật sắp đặt cuối cùng và cũng là để đời nhất của cặp đôi đáng kính Christo và Jeanne-Claude.
Share nếu bạn thấy những thông tin này thú vị và giá trị!







